Các khu vực Đại_suy_thoái

Các nước phát triển

Các nước phát triển nói chung bắt đầu suy giảm tốc độ tăng trưởng từ quý III năm 2007 và GDP bắt đầu giảm từ quý III năm 2008. Quý IV năm 2008 ghi nhận mức thu hẹp GDP của các nước phát triển nói chung lên đến 7,97%.[15]

Hoa Kỳ là trung tâm của suy thoái kinh tế toàn cầu mặc dù không phải là nước suy thoái nghiêm trọng nhất. Theo cách xác định suy thoái kinh tế của NBER, kinh tế Hoa Kỳ rơi vào suy thoái từ tháng 12 năm 2007.[16] Còn theo cách xác định suy thoái tức là 2 quý liên tục có GDP giảm thì kinh tế Hoa Kỳ rơi vào suy thoái bắt đầu từ quý III năm 2008 với mức giảm lớn kỷ lục kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.[17][18] Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước lượng rằng nền kinh tế Hoa Kỳ năm 2009 thu hẹp 2,6%.[15] Tỷ lệ thất nghiệp ở Hoa Kỳ đã tăng từ mức 4,9% vào tháng 12 năm 2007[19] lên 9,5% vào tháng 6 năm 2009.[20] Nhiều ngành kinh tế của Hoa Kỳ thu hẹp sản xuất. Ngành chế tạo ô tô bị khủng hoảng nghiêm trọng đến mức Big Three phải bán đi một số thương hiệu và chi nhánh của mình. GM và Chrysler phải chịu phá sản và chấp nhận tái cơ cấu dưới sự giám sát của Chính phủ.

Trong các nước phát triển, Đức và Nhật Bản là những nước mà GDP giảm mạnh nhất. Cả hai đều là những nền kinh tế hướng vào xuất khẩu và bị tác động tiêu cực nghiêm trọng. Nhiều thể chế tài chính của Đức tham gia vào thị trường tín dụng thứ cấp ở Hoa Kỳ khiến cho khu vực tài chính của Đức bị rối loạn. Tuy khu vực tài chính của Nhật Bản vẫn vững vàng, nhưng việc có nhiều công ty Hoa Kỳ phát hành trái phiếu tại thị trường chứng khoán Tokyo đã khiến cho thị trường chứng khoán của Nhật Bản bị chao đảo và ảnh hưởng tới khả năng huy động vốn của các công ty Nhật Bản. Hậu quả là cả hai nước đều lâm vào suy thoái từ quý II năm 2008.[21] Năm 2009, GDP của Đức giảm 6,2%; và dự báo sẽ còn giảm trong năm 2010. Còn GDP của Nhật Bản năm 2009 cũng giảm tới 6%.[15] Thống kê cho thấy Nhật Bản đã bị giảm kim ngạch xuất khẩu và giảm sản lượng sản xuất ở mức kỷ lục.[22] Những nước phát triển lớn khác bị giảm GDP là Anh, Canada, Pháp, Tây Ban Nha, Ý. Cả khu vực đồng euro nói chung giảm 4,8% trong năm 2009 và dự báo sẽ còn giảm 0,3% trong năm 2010.[15]

Trong các nước OECD, chỉ có Hy Lạp, Hàn Quốc, Ba Lan, Slovaky là không bị rơi vào suy thoái kinh tế (theo cách xác định suy thoái là hai quý liên tục tăng trưởng dưới 0), song vẫn bị suy giảm tốc độ tăng trưởng.[21]

Các nước công nghiệp hóa mới châu Á đều là những nền kinh tế theo định hướng xuất khẩu. Suy giảm tăng trưởng kinh tế thế giới đã làm GDP của các nước này đang từ chỗ tăng tới 5,1% trong năm 2005 giảm xuống chỉ còn tăng 1,5% trong năm 2008 và dự kiến sẽ giảm 5,2% trong năm 2009.[15] Các nước và lãnh thổ lâm vào suy thoái là Hồng Kông[23] và Singapore (từ quý IV năm 2008)[24].

BRIC

Ấn Độ, Brasil và Trung Quốc bị suy giảm tốc độ tăng trưởng trong năm 2008 nhưng đã nhanh chóng trở lại tăng trưởng nhanh trong năm 2009. Nga bị khủng hoảng tài chính trong năm 2008 với giá chứng khoán sụt giảm mạnh, đồng rúp mất giá, một số ngân hàng bị đổ vỡ. Nguyên nhân khủng hoảng tài chính ở Nga là do những bất an từ phía các nhà đầu tư liên quan đến căng thẳng chính trị-quân sự Nga-Georgia, liên quan đến việc giá dầu thế giới giảm mạnh, sự chỉ trích của Thủ tướng Putin đối với tập đoàn Mechel. Kinh tế Nga lâm vào suy thoái từ đầu năm 2009.

Kết quả tăng trưởng kinh tế được xem là tốt so với các nước phát triển đã giúp cho BRIC có tiếng nói hơn trong G-20.[25] Các nước này đều cố gắng đàm phán để tăng tỷ lệ phiếu bầu của mình ở Quỹ Tiền tệ Quốc tế.[26]

Các nước đang phát triển khác

Trong các nước đang phát triển, những nước thuộc SNG bị tác động nghiêm trọng. Các nước này bị đồng thời nhiều cú sốc: những rối loạn tài chính khiến cho các nước này trở nên khó tiếp cận các nguồn tài chính nước ngoài (các nước này vốn đi vay nước ngoài nhiều để đầu tư phát triển kinh tế trong nước), nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của họ giảm do kinh tế các nước và các khu vực trên thế giới xấu đi, giá nguyên liệu-năng lượng giảm, kiều hối giảm do thu nhập của người lao động xuất khẩu của các nước này giảm. Các nước Belarus, Ukraine, Armenia đã phải xin IMF giúp đỡ tài chính. Thống kê của IMF cho thấy GDP của Ukraine năm 2009 giảm tới 8% và của Armenia giảm tới 5%. Các nước SNG khác có GDP giảm là Kazakhstan, Belarus và Mondova. Các nước còn lại tuy vẫn tăng được GDP nhưng với tốc độ không cao bằng thời gian trước.[27]

Các nước đang phát triển châu Á hầu hết đều bị giảm tốc độ tăng trưởng, thậm chí có nước còn tăng trưởng âm. Các nước Bangladesh, Indonesia, Pakistan, Việt Nam vốn có mức tăng trưởng trên dưới 6% trong các năm 2007 và 2008, sang năm 2009 chỉ còn tăng trưởng trên dưới 3%. Các nước Malaysia và Thái Lan tăng trưởng với tốc độ -3,0% và -3,5% trong năm 2009.[27]

Các nền kinh tế Mỹ Latinh vốn có độ mở cao và phụ thuộc vào vốn nước ngoài và xuất khẩu nguyên liệu-năng lượng. Vì thế, các nước trong khu vực này bị suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức độ khác lớn. Mexico bị suy giảm nhiều nhất do nền kinh tế này gắn kết chặt chẽ với kinh tế Hoa Kỳ. GDP của Mexico giảm tới 3,7% trong năm 2009. Những nước lớn khác có GDP giảm là Argentina, Ecuador và Venezuela.[27]

Tất cả các nước ở Trung Đông đều bị suy giảm kinh tế. Những nước Trung Đông xuất khẩu nhiều dầu lửa là Ả Rập Saudi, UAE và Kuwait còn bị giảm GDP. Kinh tế Israel cũng bị giảm 1,7% trong năm 2009. Nền kinh tế này vốn phụ thuộc khá cao vào xuất khẩu trong khi kinh tế toàn cầu lại rơi vào suy thoái và suy giảm tăng trưởng.[27]

Kinh tế các nước châu Phi gặp khó khăn chủ yếu do xuất khẩu của họ bị giảm (do lượng cầu thế giới giảm và do giá nguyên liệu-năng lượng giảm) và kiều hối bị giảm. Các nước Ghana, Kenya, Nigeria, Nam Phi và Tunisia bị giảm nguồn vốn nước ngoài (FDI và đầu tư gián tiếp). Angola, Guinea Xích đạo và Nigeria bị tác động mạnh bởi lượng dầu xuất khẩu và giá dầu giảm. Tuy nhiên, kinh tế Côte d’Ivoire và Kenya không những không bị suy giảm mà lại còn tăng tốc.[27]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đại_suy_thoái http://news.firedoglake.com/2011/07/22/krugman-coi... http://docs.google.com/www.imf.org/external/pubs/f... http://www.hindu.com/2008/11/18/stories/2008111860... http://economix.blogs.nytimes.com/2009/03/11/great... http://www.reuters.com/article/topNews/idUSTRE52B2... http://www.usnews.com/opinion/mzuckerman/articles/... http://online.wsj.com/article/SB100014240527023035... http://www.bea.gov/national/nipaweb/TableView.asp?... http://www.bea.gov/newsreleases/national/gdp/gdpne... http://www.bls.gov/cps/